Bố nhớ có đọc được ở đâu rằng có nhiều người hay sử dụng miệng lưỡi để che giấu ý nghĩ của họ, nhưng kinh nghiệm cho bố thấy số người chỉ nói mà không nghĩ lại nhiều hơn.
Là doanh nhân nên tự đặt ra cho mình các quy tắc nói chuyện ít hơn và đơn giản hơn so với cái bản năng động vật của mình. Các quy tắc đó là:
Có điều gì cần nói.
Hãy nói.
Rồi thôi.
Doanh nhân nói trước khi biết điều mình cần nói và cứ nói tiếp sau khi mình đã nói xong sẽ chẳng sớm thì muộn cũng sẽ ra hầu tòa hoặc khánh kiệt, và thường là khánh kiệt sau khi đã hầu tòa. Bố có phòng pháp luật luôn hoạt động trong công ty, tuy tốn nhiều tiền thật đấy, nhưng nó giúp bố khỏi lo bị kiện cáo.
Sau khi ăn tối xong, con gọi điện cho một cô gái hay bạn bè để chuyện trò về một chuyến đi chơi của lớp vào ngày chủ nhật chẳng hạn, đi hái hoa bắt bướm, thì chẳng sao; nhưng khi vào văn phòng, con nên nói chuyện càng vắn tắt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không nhất thiết phải có phần mở đầu mà cũng chẳng nhất thiết phải kết thúc câu chuyện, và hãy nhớ ngừng ngay chớ nói tiếp sang phần hai. Khi giáo dục những người phạm lỗi, con phải ngắn gọn với họ, vì bản thân mấy ông tướng này cũng chẳng thích dài dòng đâu. Gặp kẻ ngu ngốc cứ nói thẳng ngay còn với phụ nữ thì phải luôn dứt khoát. Phần quan trọng chính là nội dung của sự việc. Tất nhiên, một chút hình thức bên ngoài cũng chẳng sao nếu người ta thích hình thức.
Con cũng nên luôn nhớ rằng, làm ra vẻ khôn ngoan thì dễ nhưng nói lời khôn ngoan mới thực khó. Nên nói ít hơn người ta và nên nghe nhiều hơn nói; vì khi nghe người ta sẽ chẳng nói về mình mà lại được lòng người mình nghe. Với đàn ông hãy chú ý lắng nghe và với phụ nữ hãy ghi lại lời họ, con sẽ thấy họ sẽ dốc hết cả gan ruột ra với con. Chuyện tiền bạc của người ta – chớ nói đến trừ khi họ tuệch toạc mở lời, và nhớ đừng nhận xét gì kẻo sẽ gây mất lòng. Chuyện nghèo đói, cũng vậy, chẳng có ai muốn nghe điều mà họ chẳng muốn nhắc đến.